Quầy dành cho bệnh nhân đã đặt lịch khám qua app tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 5-8 - Ảnh: YẾN TRINH
Chỉ cần vài thao tác điện thoại
Sáng đầu tuần, sảnh chờ đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đông nghẹt bệnh nhân và thân nhân. Có những người đã đặt lịch khám trước qua app nên rút ngắn công đoạn đợi chờ này.
Đứng ở quầy số 1, anh Võ Liêm (quê Sóc Trăng) chờ quét mã, lấy số lên phòng khám cho mẹ. Đây là quầy dành cho người đã đăng ký qua app, đang có bảy người xếp hàng, cầm sẵn điện thoại có mã hẹn khám.
"Lần đầu tôi đưa mẹ lên đây khám. Tôi nhờ bạn đăng ký giùm, khung giờ khám 9h. Nhờ vậy đỡ phải xếp hàng", anh nói.
Chị Lê Hồng Loan (quê Đồng Nai) cho biết có lần đưa cha đi khám, thấy bảng giới thiệu đặt lịch qua app. "Tôi tải về từ tháng 4, lần sau tái khám vào app đặt, nhanh và tiện", chị nói. Khung giờ khám là 7h, chị đưa ba tới sớm chừng 20 phút.
Chị chia sẻ: "Như vậy cơ bản là nhanh hơn so với việc chờ đợi như trước đây. Không cần phải đi sớm, bốc số rồi xếp hàng nữa". Chị cũng từng dùng app đặt lịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (quận 5) và Bệnh viện Đa khoa Thống nhất (Đồng Nai).
Còn tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (quận 5), ở các ki ốt lối vào khu đăng ký khám bệnh, một số người đứng nhập mã phiếu khám để in ra.
Anh Nguyễn Văn Nhơn (41 tuổi, quê Tây Ninh) đăng ký qua app chiều hôm trước, chọn luôn bác sĩ khám. Có một nữ tình nguyện viên y tế nhiệt tình hướng dẫn tải app, đăng ký, giải đáp thắc mắc. Nhân viên bảo vệ cũng nhiệt tình chỉ dẫn khi có người hỏi cách thao tác.
Anh Trần Phước (quê Khánh Hòa) nói: "Tôi rất ngán cảnh rồng rắn chờ tới lượt. Trước đây xe từ ngoài quê vào trễ, có khi tới chiều mới đến lượt khám.
Giờ đăng ký qua app khỏi đợi chờ, trên app còn mục tạo hồ sơ bệnh nhân, lịch sử các lần khám... Quen tay còn nhanh hơn đặt lịch coi phim. Tôi còn đặt lịch khám cho người thân và chỉ cách cho mấy người ở quê làm theo", anh khoe.
Báng hướng dẫn thao tác đặt lịch khám bệnh qua app ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: YẾN TRINH
Vẫn quen dùng hotline hoặc chờ đợi bốc số
Lượng người đến bốc số, chờ đợi khám vẫn chiếm lượng lớn so với người đăng ký lịch khám qua app.
Anh Nguyễn Long (quê Long An) từng có người thân từ quê lên Bệnh viện Đại học Y dược chữa bệnh, nói rằng người nhà đã quen gọi số đường dây nóng của bệnh viện đặt lịch, chưa xài qua app bao giờ.
Gia đình anh cho biết sẽ không thử đặt lịch qua app vì "người nhà đã lớn tuổi, không rành xài app nên tôi nghĩ hotline vẫn ưu tiên hơn".
TTO - Tờ mờ sáng, ông Nguyễn Hữu Hà (55 tuổi, ngụ P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thức giấc. Vội đánh răng rửa mặt, bỏ sổ khám bệnh vào túi xách, ông dong xe gần 15km từ nhà đến Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM kịp giờ bốc số, khám bệnh tiểu đường…
Để bệnh nhân biết đến app nhiều hơn
Hiện nay khá nhiều bệnh viện có dịch vụ đặt lịch khám qua app. Với các app này, người bệnh có thể đặt trước lịch khám trong vòng 30 ngày, đăng ký khám một hoặc nhiều chuyên khoa, chọn bác sĩ "ruột".
Ngoài app mang tên bệnh viện, người bệnh có thể đặt lịch qua app đối tác bệnh viện. Phí tiện ích được giải thích là phí sử dụng dịch vụ này (gồm phí tin nhắn thông báo lịch hẹn, hủy khám, nhắc tái khám...) thường 5.000 - 10.000 đồng tùy app.
Giao diện app của các bệnh viện này khá dễ sử dụng, các mục được phân chia rõ ràng. Đa số app bệnh viện sẽ dùng hình thức thanh toán trước phí khám qua thẻ ngân hàng, ví điện tử... Và một số điện thoại đăng ký có thể tạo hồ sơ khám bệnh cho khoảng 10 người thân.
Tuy nhiên việc đặt lịch khám qua app cũng có một số hạn chế. Anh Trần Phước cho biết có lần anh vô app nhưng không đặt được hoặc đặt thành công nhưng khi đến khám thì không có tên trong danh sách.
Độ phủ của dịch vụ đặt lịch khám bệnh qua app chưa rộng khắp. Có nhiều bệnh nhân trẻ nhưng không biết dịch vụ qua app này.
Bên cạnh đó người dân ở quê vào khám có nhiều người không rành công nghệ, không có điện thoại thông minh, tâm lý đến tận nơi đăng ký cho chắc nên không đăng ký trước...
Một số app giao diện hơi rối vì ôm đồm nhiều thứ, chữ nhỏ người cao tuổi khó nhìn. Có app trình bày khó chọn, phải thao tác nhiều lần hoặc bị lỗi.
Đặt lịch khám qua app là bước tiến bộ với nhiều lợi ích cho người bệnh. Chị Hồng Loan đề xuất:
"Để người lớn tuổi có thể dễ dàng sử dụng, nhà phát hành app nên có video hướng dẫn thay vì bằng chữ hoặc trình chiếu video hướng dẫn tại các màn hình nơi bệnh viện để ai cũng dễ xem, tự thao tác khi đăng ký khám lần sau".